Chiều ngày 04 tháng 7 năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) triển khai Hội nghị "Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh & quản lý tranh chấp". Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cùng nhiều đại diện từ hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC)
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều này tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường và kết nối đối tác. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm đặc sắc và nhiều tín hiệu tích cực. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 ước tính đạt 3,8 tỷ đô-la Mỹ, tăng 3,58% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng ước tính đạt 18,58 đô-la Mỹ, tăng 2,72%. Đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, bà Quyên nhận định, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu. Với tình hình đó, doanh nghiệp cần có bước chủ động, linh hoạt thay đổi để đáp ứng một cách phù hợp với nguồn lực nhằm tận dụng các cơ hội, xây dựng lợi thế từ các xu hướng. Hướng tới mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức, thông tin giá trị để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, bà Quyên kỳ vọng Hội nghị sẽ tập trung phân tích các vấn đề nổi cộm, từ đó, giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Về phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), LS. Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đưa ra đánh giá chung liên quan đến tình hình doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất nhập khẩu trong thời gian qua. Trong bối cảnh cảnh thế giới đang dành sự quan tâm lớn cho mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu và logistics đang bị đặt dưới áp nhiều áp lực liên quan đến rào cản kỹ thuật về môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Như vậy, ông Bắc nhận định, thời gian tới, bức tranh xuất nhập khẩu của nước ta sẽ phân hoá rất rõ rệt khi các doanh nghiệp thay đổi kịp thời, ứng phó hiệu quả chắn sẽ tận dụng được cơ hội, phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, doanh nghiệp thích nghi chậm hơn sẽ có nguy cơ đối mặt nhiều thách thức mới khi nhiều quy định siết chặt được đặt ra tại các thị trường mục tiêu. Ông Bắc chia sẻ, trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt lại đang là bên bên chịu bất lợi, nhưng lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Ông Bắc nhấn mạnh, quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương là cực kỳ quan trọng.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC
Mở đầu Hội nghị, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ tham luận với chủ đề “Yêu cầu về chuyển đổi xanh và vấn đề đặt ra với hoạt động xuất nhập khẩu”. Theo TS. Thành, khi sự nhận thức về phát triển bắt đầu thay đổi một cách rõ rệt hơn, các quốc gia và bản thân các cá nhân trong xã hội không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế nói riêng mà còn để tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững nói chung. Như vậy, áp lực từ thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh. Hiện nay, cách mạng tiêu dùng gắn chặt với các yếu tố “xanh”; “an toàn” và “nhân văn” cùng với việc thực thi các cam kết liên quan đến nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế như TPP/CPTPP, EVFTA,…). Theo đó, ông Thành chỉ ra các vấn đề đối với thương mại quốc tế phát sinh nhiều phần từ sự cải cách thị trường và độ ổn định vĩ mô cùng sự hội nhập, mở cửa với trọng tâm là các FTAs chất lượng cao và sự phát triển quan hệ đối tác quan trọng. Như vậy, ông Thành khuyến nghị, để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong doanh nghiệp cũng nên được quan tâm đúng mực, trong đó, việc thực hiện ESG là nhân tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đối với định hướng về mặt chính sách, TS. Thành đề xuất, Việt Nam cần tháo gỡ được 02 điểm nghẽn cố hữu là hạ tầng và nhân lực, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể gia tăng giá trị, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư FDI, tận dụng lợi thế và cơ hội để “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại” trong một thế giới nhiều biến động.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh Khu vực Tp. Hồ Chí Minh
Nối tiếp phần chia sẻ của TS. Võ Trí Thành, Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp - Chi nhánh Khu vực Tp. Hồ Chí Minh cũng có nhiều trao đổi liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa doanh nghiệp Việt với đối tác quốc tế. Đánh giá chung, ông Nam cho rằng các FTAs đóng vai trò đắc lực cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất nhập khẩu, bên cạnh các FTAs đã ký kết và đang vận hàng, các FTAs mới cũng cho thấy nhiều giá trị mới. Qua thực tiễn, có thế thấy, các FTAs mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội trong việc tối ưu hóa các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế quan; thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút dòng vốn đầu tư, thúc đẩy chuỗi cung ứng và xa hơn là tạo động lực cho sự cải cách, đổi mới trong chính doanh nghiệp. Tuy vậy, song song với những điểm sáng, các FTAs cùng lúc cũng đặt ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp khi nó buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới để không bị loại trừ, tăng sức cạnh tranh. Qua nghiên cứu, ông Nam thấy rằng, các thị trường lớn thời gian qua và sắp tới đây sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa. Điều này yêu cầu doanh nghiệp phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.
LS. Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (NewSun Law Firm), Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC
Từ góc độ pháp lý, LS. Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới (NewSun Law Firm), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) đã đem đến phần trình bày liên quan đến “Giải pháp hợp đồng cho một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài”. Qua số liệu thống kê hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong năm 2023 và 04 tháng đầu năm 2024, LS. Thành nhận định so với các ngành nghề khác, biểu đồ xuất nhập khẩu thường không ổn định do đây là ngành nghề dễ chịu tác động bởi biến động thị trường. Chính vì vậy, để giao dịch được hiệu quả, doanh nghiệp phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt liên quan đến pháp lý. Qua kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong và ngoài nước về pháp lý, chuyên gia đã phân tích và đúc kết một số vấn đề nổi bật thường phát sinh trong giao dịch với đối tác quốc tế. Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại mà doanh nghiệp Việt phải gánh chịu, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hoá hay không. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, LS. Thành cho rằng, các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên.
Ông Vũ Quang Huy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Tổng Giám đốc Công ty CP TEKCOM
Tiếp tục Hội nghị, Ông Vũ Quang Huy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Tổng Giám đốc Công ty CP TEKCOM đã có phần chia sẻ về thực tiễn bức tranh xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng như ngay chính tại doanh nghiệp mà ông Huy điều hành. Theo đó, tỷ lệ xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng lần lượt 24.5% và 19.5% so với cùng kỳ. Tuy vậy, song hành với tỷ lệ tăng đáng kể của tỷ lệ xuất nhập khẩu gỗ là những thách thức về tiêu chí bền vững mà các thị trường xuất nhập khẩu đặt ra như: Quy định chống phá rừng của EU, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ của Mỹ, mục tiêu Net-zero. Tại phần trao đổi, ông Vũ Quang Huy đã phân tích một số rủi ro bẫy ngoại thương về lừa đảo thương mại, hợp đồng không rõ ràng, rủi ro về thanh toán và vận chuyển, biến động thị trường và chính sách, rủi ro pháp lý và tuân thủ. Bên cạnh đó, diễn giả chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa bẫy ngoại thương, chủ yếu, doanh nghiệp cần thẩm định kỹ lưỡng đối tác, soạn thảo hợp đồng rõ ràng và chi tiết, có phương thức thanh toán an toàn, bảo hiểm hàng hóa, theo dõi và cập nhật thông tin thị trường.
Bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần BLUSAIGON
Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp, Bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần BLUSAIGON cũng đã có những chia sẻ hữu ích thông qua thực tiễn vận hành của doanh nghiệp. Theo đó, bà Quyên đồng tinh với phân tích của các chuyên gia về bối cảnh thị trường và nhận định rằng hầu hết các ngành nghề đều gặp khó khăn trong bối cảnh hiện tại của thị trường. Khó khăn này đến từ xu hướng tiêu dùng của thị trường, tỷ giá tiền tệ, hạ tầng giao thông và sắp tới là khó khăn đến từ việc siết chặt các quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Với những khó khăn này, chuyên gia đã kiến nghị một số giải pháp liên quan đến cải thiện năng lực doanh nghiệp và điều kiện thị trường. Cụ thể, bà Quyên cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, lên phương án thích nghi với các yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu về tăng trưởng bền vững. Ở góc độ vĩ mô, theo bà Quyên, các tổ chức, cơ quan cần có hướng dẫn cho doanh nghiệp kỹ lưỡng hơn về việc tận dụng các FTAs, đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, logistics, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển chuỗi cung ứng. Đối chiếu với thực tiễn, bà Quyên cũng có các chia sẻ về sự thích ứng của BLUSAIGON với bối cảnh thực tại. Theo bà Quyên, doanh nghiệp đang có những phương án thích ứng tốt với yêu cầu từ thị trường và đang tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo duy trì bền vững hoạt động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế cả nước.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC
ThS. Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tham gia thảo luận trực tuyến cùng các chuyên gia
Sau phần chia sẻ đa chiều của các chuyên gia, Phiên thảo luận được triển khai dưới sự điều phối của Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Thủ Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC với sự giải đáp, trao đổi sôi nổi, tích cực của các chuyên gia và khách mời tham dự. Phiên thảo luận đi vào khai thác các thực tiễn, khó khăn đang tồn tại; từ đó đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện giao dịch ngoại thương an toàn và hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị
--------------------------------
THÔNG TIN VỀ CÁC SỰ KIỆN THUỘC LMS 2024:
| Lĩnh vực Năng lượng Hội thảo "ESG - Chìa khóa cho phát triển bền vững: Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG hiệu quả" Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Bất động sản Hội thảo "Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới" Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Bất động sản Hội thảo "Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới" tại tỉnh Khánh Hòa Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Ngoại thương Hội thảo "Hạ tầng logistics: Yêu cầu mới trong chiến lược phát triển và khung pháp lý" tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |
| Lĩnh vực Năng lượng Hội thảo "Du lịch Bình Thuận: Lộ trình "xanh hóa" đến phát triển bền vững" khép lại Chuỗi sự kiện LMS 2024 Thông tin chi tiết vui lòng xem tại Đây |